Đề xuất làm giấy khai sinh trên Sổ Theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em
Từ những tính năng, tiện ích sẵn có của Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất triển khai làm giấy khai sinh trên ứng dụng của sổ.
Liên thông dữ liệu đem lại tiện ích cho người dùng
Ngày 16/2, lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế và Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp tổ chức họp triển khai công tác phối hợp thực hiện đề xuất làm giấy khai sinh trên ứng dụng Sổ Theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em. Đề xuất làm giấy khai sinh trên ứng dụng Sổ Theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em trên cơ sở những tính năng, tiện ích sẵn có của sổ, giúp đem lại những tiện ích thiết thực nhất cho người dùng trong việc thực hiện làm giấy khai sinh cho trẻ.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, một trong những mục tiêu của Bộ Y tế là tất cả mọi phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ sẽ sử dụng Sổ Theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em. Sổ này là một nhành của Sổ theo dõi sức khỏe toàn dân. Với mục tiêu tạo ra nhiều tiện ích nhất cho người dùng sổ, thực hiện các công việc hành chính được nhanh gọn, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đề xuất phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp triển khai đăng ký khai sinh cho trẻ trên ứng dụng Sổ Theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em.
"Chúng tôi mong muốn người dân khi sử dụng Sổ Theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em sẽ thuận tiện trong đăng ký khai sinh cho con mà không cần phải đến xã phường, hay vào cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện", TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết.
Để làm được điều này, đội ngũ kỹ thuật phát triển Sổ Theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em phát triển thêm phần Quản lý giấy chứng sinh trên ứng dụng sổ điện tử. Trong đó có phần khai sinh điện tử để bất cứ bà mẹ nào khi sinh con, dù sinh con tại nhà hay cơ sở y tế cũng đều có thể đăng ký khai sinh cho con qua phần mềm sổ mẹ và bé. Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em đề xuất trước mắt sẽ thực hiện thí điểm ở một vài địa phương.
Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp đánh giá rất cao ý tưởng này song đưa ra những vấn đề phải giải quyết khi thực hiện liên thông dữ liệu. Hiện nay chỉ những trẻ sinh ở cơ sở y tế hoặc ngoài cơ sở y tế nhưng có sự can thiệp của cán bộ y tế mới được cấp giấy chứng sinh. Chỉ các cơ sở y tế mới có thẩm quyền cấp giấy chứng sinh. Từ cơ sở dữ liệu chứng sinh của Bộ Y tế cung cấp vào hệ thống đăng ký hộ tịch và phần mềm dịch vụ công liên thông mới là cơ sở để cấp giấy khai sinh. Do vậy, để tích hợp vào ứng dụng Sổ Mẹ và Bé thì cần có sự liên thông dữ liệu này.
Theo đánh giá, khó khăn nhất ở đây là liên thông dữ liệu. Theo quy định về đăng ký chứng sinh hiện nay, để thực hiện việc này, ứng dụng Sổ Mẹ và Bé phải kết nối với dịch vụ công quốc gia và tham chiếu về cổng đăng ký hộ tịch, từ đó chỉ đến cơ quan nào đăng ký. Luồng dữ liệu như vậy bắt buộc phải qua cổng dịch vụ công quốc gia. Khi đó phải tính toán kỹ thuật để dữ liệu của các cổng liên thông được với nhau.
Theo ông Trần Đăng Khoa, tới đây, hai bên kỹ thuật tiếp tục làm việc bước đầu làm thí điểm ở một vài địa phương. Liên thông dữ liệu có thể làm từng bước, không nhất thiết cấp giấy khai sinh ngay qua sổ mà cần hoàn thiện dần dần.
Thời gian tới, hai đơn vị sẽ thống nhất về chủ trương phối hợp, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo hai bộ để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và dữ liệu người dùng.
Sẽ tích hợp vào hồ sơ sức khỏe ngành Y tế
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, Vụ đã xây dựng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Công cụ này được thực hiện theo mô hình của Nhật Bản, được triển khai từ năm 1998 (tại Bến Tre) nhưng đến năm 2015 mới được hiện thực hóa tại 4 tỉnh với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA - Nhật Bản). Đến nay, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai trên toàn quốc và đã phủ sóng hầu hết các tỉnh, thành phố.
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em như một cuốn nhật ký về sức khỏe của trẻ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ cho đến khi trẻ 6 tuổi, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng. Sổ cũng có phần thể hiện sự theo dõi của cơ quan y tế, đồng thời, cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Sau thời gian triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em, kết quả cho thấy kiến thức, thái độ và hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của cả cán bộ y tế cũng như bà mẹ nuôi con nhỏ đã được cải thiện rõ rệt. Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em được sử dụng như một công cụ quản lý giúp theo dõi, chăm sóc liên tục sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ gia đình, cộng đồng đến các cơ sở y tế cũng như giúp cán bộ y tế chăm sóc liên tục theo vòng đời từ chăm sóc trước sinh, trong sinh, sau sinh và chăm sóc trẻ đến 5 tuổi. Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là cuốn sổ theo dõi, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho bà mẹ và trẻ em từ khi mang thai đến khi trẻ 6 tuổi.
Sổ giúp theo dõi việc chăm sóc liên tục và có hệ thống tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của địa phương cho cả mẹ và con từ khi sinh ra; theo dõi quá trình phát triển của trẻ nhỏ, can thiệp dự phòng khi cần cần thiết; đưa ra các con số thống kê báo cáo chính xác. Đặc biệt, Sổ giúp giảm bớt gánh nặng cho cán bộ y tế cơ sở khi giảm bớt các giấy tờ trùng lặp như phiếu khám thai, phiếu tiêm chủng.
Để Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai đồng bộ, TS. Trần Đăng Khoa cho biết Bộ Y tế ban hành Quyết định số 140/QĐ-BYT ngày 20/01/2020 sử dụng Sổ thay thế các loại sổ khám bệnh, sổ y bạ, sổ khám thai và phiếu tiêm chủng trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Song song với việc duy trì Sổ giấy, Bộ Y tế cũng sẽ triển khai mạnh mẽ số hóa Sổ thông qua phiên bản điện tử, trở thành một phần không thể tách rời của hồ sơ quản lý sức khỏe nhân dân.
Hiện nay Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em đang tích cực nghiên cứu áp dụng triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản điện tử và hướng tới sẽ tích hợp trong Hồ sơ sức khỏe cá nhân của ngành Y tế.
Theo suckhoedoisong.vn
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.