Để trẻ em được hưởng quyền tốt nhất

Với hơn 300.000 trẻ em dưới 16 tuổi, những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giúp trẻ em được hưởng những quyền lợi tốt nhất.

Để các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân… chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, công tác tuyên truyền, phổ biến luật trẻ em được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Năm 2022, bên cạnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em ở 3 cấp, tuyên truyền thông qua chiến dịch truyền thông, treo banner, phướn thả…; các xã, phường, thị trấn còn được phát 14.000 cuốn sách bỏ túi về phòng, chống xâm hại tình dục, cấp cho học sinh các trường tiểu học, THCS; quảng bá đường dây quốc gia bảo vệ trẻ em và các dịch vụ bảo vệ trẻ em cho học sinh tại 24 trường THCS, thu hút được 5.364 học sinh tham gia; tổ chức 10 buổi tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em dưới hình thức sân khấu hóa tại 10 xã trong tỉnh…

Các vấn đề nóng trong xã hội liên quan đến trẻ em cũng được các cấp, các ngành tuyên truyền thường xuyên, như: Tiêm chủng phòng chống dịch Covid-19; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng, chống suy dinh dưỡng; phòng chống bệnh tật học đường; phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật …

Các cấp, các ngành còn tổ chức hàng nghìn buổi tập huấn, truyền thông cho trẻ em và các đối tượng liên quan kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, chăm sóc trẻ khuyết tật, phòng chống tai nạn thương tích, bảo đảm quyền cho trẻ em khuyết tật…

Đặc biệt, năm 2022, tỉnh đã triển khai mô hình "Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái" tại TP Hạ Long; tổ chức cho 240 người đại diện của các hộ gia đình ký cam kết thực hiện "Ngôi nhà an toàn cho trẻ"; xây dựng mô hình “Tủ sách xanh cho em” thí điểm tại tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Trường Tiểu học Bãi Cháy, Nhà Văn hóa khu 1 (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). Tỉnh Đoàn tiếp tục duy trì và triển khai các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, kiện toàn mô hình Hội đồng trẻ em tỉnh, duy trì 13 CLB Quyền tham gia của trẻ em tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố… Các địa phương cũng duy trì và nhân rộng các mô hình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; hướng dẫn triển khai nhân rộng mô hình dạy bơi, dạy kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước…

Các quyền lợi của trẻ em cũng được các cấp, các ngành thực hiện triệt để. Đảm bảo quyền được khai sinh và có quốc tịch của trẻ em, cơ quan tư pháp tiếp tục chỉ đạo trung tâm trợ giúp pháp lý, cán bộ tư pháp cấp xã tổ chức các đợt khai sinh và tư vấn về quyền được khai sinh tại các thôn, bản của các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó hạn chế tình trạng trẻ sinh ra chưa được khai sinh; kịp thời hướng dẫn các chế độ, chính sách liên quan, nhất là cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám sức khỏe miễn phí đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hiện đạt tỷ lệ 99,8%.

Các đơn vị khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc khám, chữa bệnh cho trẻ em theo đúng quy định. Năm 2022, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn đã tổ chức khám tại đơn vị và cộng đồng cho 297.554 lượt trẻ em, điều trị nội trú cho 61.800 trẻ…; 98,93% trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo chiều cao để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng; 97,19% trẻ 6-36 tháng tuổi được uống vitamin A…

Các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực để cho trẻ có môi trường học đường tốt nhất. Đến nay, 100% các địa phương của tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Cùng với đó, cơ quan chức năng và địa phương đã kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý các đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời thực hiện tốt công tác phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ đúng quy trình đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn. Trong năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 39 vụ/55 đối tượng xâm hại người dưới 16 tuổi; tội phạm liên quan đến người dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật có chiều hướng giảm, toàn tỉnh phát hiện 28 vụ/51 đối tượng.

Các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ được các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng vào cuộc. Năm 2022 có gần 5.000 trẻ mầm non, tiểu học được hỗ trợ sữa, mì tôm, phở ăn liền; hơn 300 trẻ khuyết tật được hỗ xe lăn, tổng trị giá khoảng 600 triệu đồng...; hỗ trợ đột xuất nhân dịp Tết Nguyên đán cho 529 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 383 triệu đồng; hỗ trợ đột xuất cho trẻ bị tai nạn thương tích, đuối nước, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bệnh nặng hiểm nghèo, trẻ em vùng khó khăn, thiên tai dịch bệnh…

Các giải pháp đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ giúp thế hệ tương lai của tỉnh được phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nguồn Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 291