Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng 24/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tổ chức phiên họp thứ 3 trực tuyến với các địa phương về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp.

Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh, Quảng Ninh là địa phương có sự chênh lệch lớn trong phát triển giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, giữa trung tâm với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Do đó, tỉnh xác định rõ quan điểm thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Cùng với ban hành các nghị quyết, chương trình, Quảng Ninh đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đặc biệt, từ năm 2021 đến năm 2023, ngân sách tỉnh đã bố trí đầu tư hỗ trợ cho các chương trình mục tiêu quốc gia là 2.849,2 tỷ đồng.

Với sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến tháng 11/2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đề ra. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đến hết năm 2021 đạt 52,5 triệu đồng, tăng 13,88% so với năm 2020.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 57% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% địa phương cấp huyện đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; 2 huyện (Tiên Yên và Đầm Hà) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trên cả nước, giải ngân vốn đầu tư công triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia ước đến ngày 30/1/2023 được hơn 13.730 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch. Đây là kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng.

Đại diện các tỉnh, thành phố đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền ban hành và quy định mức trần hoặc mức sàn định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm hướng dẫn cụ thể hoặc điều chỉnh một số tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới chưa phù hợp với thực tế tại địa phương, như: tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn; tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng (đối với vùng đồng bào dân tộc, biên giới, xã đảo)...

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách nhất của đời sống nhân dân, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương; tích cực theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án thành phần được giao chủ trì quản lý tại các địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ các "nút thắt", khơi thông các "điểm nghẽn", phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng hoàn thiện, thống nhất trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nguồn Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1666