Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Đông

Vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa quan trọng đối với ngành Nông nghiệp bởi sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ gieo trồng ở các địa phương vẫn còn khá chậm, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng hoa màu cả vụ. Hiện ngành Nông nghiệp đang tập trung các giải pháp để thúc đẩy tiến độ.

Đến thời điểm hiện tại, thời vụ gieo trồng cây vụ Đông sớm như ngô, khoai lang, lạc... đã kết thúc, nhưng theo thống kê của ngành Nông nghiệp, tính đến ngày 15/11, diện tích gieo trồng cây vụ Đông toàn tỉnh mới đạt 53,1% so với kế hoạch (khoảng 4.115ha). Nguyên nhân là do thời gian thu hoạch các cây trồng vụ mùa kéo dài, vẫn còn nhiều diện tích cây trồng vụ mùa chưa thu hoạch, trong đó có khoảng 2.000ha lúa muộn. Cùng với đó, các đợt mưa lớn đầu vụ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ làm đất, gieo trồng cây vụ Đông tại các địa phương.

Để đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ Đông, đảm bảo sản lượng và chất lượng nông sản, ngày 26/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 251/KH-UBND về sản xuất cây vụ Đông năm 2022. Theo đó, vụ đông năm nay, toàn tỉnh triển khai gieo trồng trên 7.748ha cây trồng các loại, như: Ngô, lạc, rau, hoa, khoai tây, khoai lang... Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất một số đối tượng cây trồng, xây dựng 5-6 mô hình quản lý sản xuất, cấp mã số vùng trồng, chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt và xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm. Diện tích sản xuất trồng trọt có liên kết tiêu thụ sản phẩm khoảng 1.000ha.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tiếp tục chỉ đạo tổ chức đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây vụ Đông chính vụ và vụ Đông muộn như khoai tây, cà chua, su hào, bắp cải, hoa các loại... ưu tiên các sản phẩm có thị trường tiêu thụ, chế biến và sản xuất phục vụ nhu cầu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Các địa phương nhanh chóng hình thành các doanh nghiệp, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, hội nghề nghiệp sản xuất chuyên canh cây trồng để thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt; chủ động trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tập trung đất đai để sản xuất cây vụ đông trên quy mô lớn, từng bước khôi phục và mở rộng diện tích một số cây vụ Đông có lợi thế về thị trường và thổ nhưỡng để nâng cao thu nhập.

 

Cụ thể, như tại TX Quảng Yên, theo ông Đỗ Đồng Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã, vụ Đông năm nay, Quảng Yên gieo trồng khoảng 2.056ha, trong đó diện tích rau gần 1.900ha. Vì vậy, để phấn đấu đạt kế hoạch đề ra, thị xã đã tăng cường chỉ đạo và tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, chủ động xử lý và có kế hoạch ứng phó với các tình huống bất lợi trong sản xuất trồng trọt ở vụ Đông như hạn hán, chuột hại cây trồng. Thị xã cũng sẽ cử lực lượng cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở tuyên truyền, tập huấn và chỉ đạo quyết liệt về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác và công tác bảo vệ thực vật cho người dân.

Để đảm bảo tiến độ đặt ra, hiện ngành Nông nghiệp cũng chủ động nguồn nước, điều tiết nước hợp lý để cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất vụ Đông. Đến thời điểm hiện tại, tổng lượng nước trữ ở 30 hồ chứa nước lớn, vừa trên địa bàn tỉnh khoảng 275 triệu m3, đạt 87,8% tổng dung tích thiết kế. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2021 có giảm khoảng 1,2 triệu m3 nhưng vẫn đủ đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt, công nghiệp.

Theo ông Đào Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), ngay từ đầu mùa vụ, Chi cục đã hướng dẫn khung lịch thời vụ cho các loại cây trồng vụ Đông chính trên địa bàn tỉnh; cung cấp các giống cây trồng chất lượng, thích ứng cao với môi trường, nhổ nhưỡng địa phương, cho sản lượng và chất lượng cao. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch sản xuất cây vụ Đông của tỉnh. Quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định theo quy trình sản xuất an toàn, áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau, dưa, bí, lạc..., tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh; tận dụng tốt điều kiện đất đai, nhân lực, thời vụ, mở rộng tối đa diện tích gieo trồng.

                                      Nguồn Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 595