Đẩy mạnh truyền thông các dịch vụ công đến người dân
Dịch vụ công trực tuyến là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và chuyển đổi số toàn diện. Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương của Quảng Ninh đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, tạo sự tiện lợi cho tổ chức, công dân trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của BTV Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, từ năm 2022 triển khai thực hiện việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thực hiện giải quyết TTHC các cấp; đối với doanh nghiệp xác thực định danh điện tử qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2024, 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp từ tỉnh đến xã và liên thông với Trung ương.
Để hoàn thành đúng mục tiêu trên, khâu đầu tiên phải truyền thông và đào tạo công dân số là yếu tố cần thiết. Chính vì vậy, các cấp, ngành thời gian qua đã tích cực vào cuộc để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và đưa dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng số đến với người dân.
Với tinh thần xung kích vào các khâu khó, phần việc khó, các cấp đoàn thanh niên Quảng Ninh đã xác định việc hướng dẫn người dân tạo tài khoản và hướng dẫn các bước nộp hồ sơ TTHC qua môi trường mạng là nhiệm vụ của tuổi trẻ. Theo đó, các cấp đoàn đã cử ĐVTN đến trung tâm hành chính công các cấp, bộ phận một cửa hiện đại cấp xã, thậm chí đến từng gia đình hướng dẫn lập tài khoản, cách thao tác gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, các trung tâm hành chính công cũng bố trí máy tính và cử cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích nộp TTHC và thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến. Do đó lượng hồ sơ trực tuyến của cả tỉnh có chỉ số tăng cao vượt trội so với trước đây.
Tính từ ngày 1/1/2022 đến nay đã có gần 360.270 hồ sơ (đạt trên 70%), được tiếp nhận và xử lý trực tuyến giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và quốc gia. Trong đó có 16.000 hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia (chiếm 3,5%) và trên 48 tỷ đồng được thanh toán trực tuyến.
Nhằm hiện thực hóa Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để phục vụ chuyển đổi số, một trong những giải pháp được tỉnh thực hiện là triển khai nhanh việc làm thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip và đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân. Thời gian qua, lực lượng công an các cấp trên địa bàn tỉnh đã đến các phường, xã, nhà văn hóa thôn để làm CCCD, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID. Đặc biệt, những người già yếu và người gặp khó khăn trong đi lại, lực lượng công an đã đến tận nhà để làm thẻ CCCD gắn chip. Đến thời điểm này, công an toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 1.202.000 hồ sơ CCCD gắn chip, gửi trả gần 1.032.000 CCCD gắn chip tới công dân.
Nhằm tuyên truyền và hỗ trợ nhân dân nhanh chóng được hưởng các tiện ích từ quá trình chuyển đổi số, hiện nay tỉnh đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố, với 11.255 thành viên tham gia.
Cùng với đó, việc thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ công thiết yếu, như: Thanh toán học phí, viện phí, điện, nước, mua sắm… được nhiều người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm quen và sử dụng thành thạo. Qua đó, tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm các TTHC, giảm thao tác thủ công, giảm áp lực công việc cho cán bộ, công chức các đơn vị.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, mỗi người dân Quảng Ninh trong bối cảnh tỉnh đang phát triển theo hướng hiện đại hóa, cần phải cập nhật, từng bước sử dụng thành thạo những ứng dụng, phát huy hiệu quả hơn nữa từ những lợi ích mà ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mang lại.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.