Đẩy mạnh hoạt động nhân đạo, từ thiện trong hệ thống chữ thập đỏ
Xác định phong trào nhân đạo, từ thiện là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thu hút các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào hoạt động chữ thập đỏ (CTĐ) mà nòng cốt là phong trào nhân đạo, từ thiện, qua đó góp phần quan trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội của địa phương.
Thực hiện Kết luận số 44- KL/TW ngày 14/11/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội CTĐ Việt Nam trong tình hình mới, ngày 19/1/2023, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Công văn số 1215- CV/TU về triển khai thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư. Từ chỉ đạo trên, tỉnh đã quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội; coi kết quả công tác an sinh xã hội là thước đo văn minh tiến bộ xã hội của địa phương, đất nước.
Phong trào nhân đạo, từ thiện trên địa bàn Quảng Ninh thời gian qua đã không ngừng được mở rộng và thống nhất từ tỉnh đến cấp cơ sở. Điều này có được là từ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể, cùng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Hằng năm, Hội CTĐ tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” vào dịp Tết Nguyên đán. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các cấp hội đã vận động được hơn 12 tỷ đồng để trao tặng 23.873 suất quà (từ 300.000-1 triệu đồng/suất) cho hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.
Hội CTĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, hằng năm tổ chức phát động “Tháng nhân đạo” (tháng 5) vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm trong tỉnh đóng góp ủng hộ kinh phí hỗ trợ địa chỉ nhân đạo, xây dựng nhà nhân đạo, xây dựng mô hình nồi cháo nhân đạo... “Tháng nhân đạo” năm 2023 các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã vận động nguồn xã hội hóa với số tiền 5 tỷ đồng để xây dựng 20 "Nhà nhân đạo"; hỗ trợ thường xuyên 17 địa chỉ nhân đạo và tổ chức thăm, tặng quà cho 2.000 đối tượng yếu thế trong tỉnh.
Ngoài ra, Hội CTĐ tỉnh còn phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm triển khai chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo khuyết tật", chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, mô hình “Cộng đồng an toàn”... Năm 2022, tổng giá trị cho các hoạt động nhân đạo của Hội CTĐ trong tỉnh đạt gần 31,2 tỷ đồng, hỗ trợ cho 90.600 lượt người yếu thế trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các hoạt động nhân đạo toàn tỉnh đạt gần 20,2 tỷ đồng, hỗ trợ cho 36.000 lượt người.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác nhân đạo là phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) được Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh chỉ đạo các địa phương ra quân hưởng ứng các chiến dịch “Lễ hội Xuân hồng”, “Ngày toàn dân HMTN”, “Những giọt máu Hồng hè” và chương trình “Hành trình đỏ” được tổ chức hằng năm. Năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 72 đợt ra quân HMTN, thu hút gần 26.000 người tham gia, tổng lượng máu tiếp nhận đạt 18.962 đơn vị; trong 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 55 đợt ra quân HMTN thu được 14.647 đơn vị máu, đạt 85% kế hoạch giao năm 2023.
Hội CTĐ tỉnh không ngừng kiện toàn, củng cố tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay toàn tỉnh có 280 cơ sở hội với tổng số 66.210 hội viên; có 8.204 tình nguyện viên, 76.536 thanh thiếu niên và 177 đội tình nguyện viên CTĐ. Thời gian qua, Hội CTĐ tỉnh không ngừng quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực tham mưu chính sách, vận động nguồn lực, chuyên môn, nghiệp vụ kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ hội.
Ông Vũ Hồng Hải, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Công văn 1215-CV/TU của Tỉnh ủy, thời gian tới Hội CTĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động nhân đạo từ thiện; tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến đối tượng khó khăn, yếu thế. Trong đó, chú trọng vào hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn, nhân ái; phòng ngừa và ứng phó với thảm họa; huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”...
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.