Đảm bảo ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Thời gian qua, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể. Quảng Ninh là tỉnh có số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du lịch và bếp ăn tập thể lớn phục vụ công nhân tại các KCN, đơn vị ngành Than, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thức ăn tập thể. Do đó, tỉnh đã đặc biệt đã chú trọng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở này.
Năm 2022, với quyết tâm cao của tỉnh trong thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, cùng với các chương trình kích cầu du lịch, sự kiện văn hóa, nên hoạt động du lịch của Quảng Ninh dần khôi phục. Tỉnh đã mở lại toàn bộ các hoạt động dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo đó cũng hoạt động trở lại.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 10.794 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm do ngành Y tế quản lý, trong đó cấp tỉnh quản lý 1.552 cơ sở, chủ yếu các nhà hàng lớn, bếp ăn của khách sạn, bếp ăn tập thể lớn; còn lại do cấp huyện quản lý.
Để đảm bảo ATTP ở các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trung tâm y tế các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thấy rõ trách nhiệm trong đảm bảo ATTP.
Theo đó, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về ATTP với nhiều hình thức phong phú, từ các tin, bài hằng ngày, đến tư vấn thông qua chuyên mục “Chuyện cùng bác sĩ” trên sóng truyền hình, phát thanh... Đồng thời, Chi cục cũng tích cực thực hiện tin, bài trên website quangninhcdc.vn, website của Cục ATTP (Bộ Y tế). Đặc biệt, ngành Y tế còn công khai danh sách 338 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP trong 10 tháng năm 2022 trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Bên cạnh đó, Chi cục ATVSTP cũng tích cực hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thực hiện tốt quy định về ATTP; hướng dẫn, tư vấn, phổ biến cho các doanh nghiệp về công tác ATTP phòng chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp, dịch vụ ăn uống trên tàu. Đến hết tháng 10/2022, đã có 224 doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể được hướng dẫn. Đồng thời trong năm, ngành Y tế cũng tổ chức 18 lớp tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho 2.522 người là chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cán bộ quản lý, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, thành viên BCĐ liên ngành ATTP của một số địa phương.
Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phát triển kinh doanh, ngành Y tế cũng tiến hành rà soát, kiểm tra, qua đó nhanh chóng cấp giấy chứng nhận về ATTP với các cơ sở đủ điều kiện. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 351 cơ sở được cấp giấy chứng nhận.
Ông Trương Hoàng Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Bên cạnh việc tăng cường đảm bảo ATTP ở các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn, ngành Y tế còn chú trọng giám sát, bảo đảm ATTP cho các sự kiện, hội nghị. Trong 10 tháng năm 2022, Chi cục ATVSTP đã kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho các đại biểu tham dự 64 sự kiện, hội nghị tổ chức tại Quảng Ninh, đảm bảo ATTP tuyệt đối cho 51.117 suất ăn.
Để chủ động giám sát mối nguy về ô nhiễm thực phẩm, trong tháng 10/2022, Chi cục ATVSTP đã chủ động mua mẫu tại 13 cơ sở dịch vụ ăn uống, chủ trì kiểm tra 15 cơ sở dịch vụ ăn uống ở một số địa phương, qua đó hướng dẫn các cơ sở khẩn trương khắc phục những tồn tại về đảm bảo ATTP. Ngành Y tế cũng phối hợp với địa phương tập trung giám sát bảo đảm ATTP cùng với phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế và 17 cơ sở cách ly tập trung của tỉnh. Hầu hết các cơ sở đều tổ chức triển khai thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP gắn với nội dung phòng chống dịch bệnh Covid-19, cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, an toàn.
Mặc dù ngành Y tế đã tích cực kiểm soát, đảm bảo ATTP, nhưng chất lượng ATTP vẫn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của các chủ doanh nghiệp và những người cung cấp thực phẩm, chế biến thức ăn tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Vụ hơn 20 công nhân của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả) bị ngộ thực phẩm sau khi ăn tại bếp ăn của công ty ngày 23/7/2022 là một ví dụ. Bởi vậy, công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tiếp tục được ngành Y tế tăng cường trong thời gian tới, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 - thời điểm mà các lễ hội được tổ chức ngày một nhiều.
Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.