CHUNG TAY GIỮ GÌN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường là một giải pháp bảo vệ môi trường cho tương lai.

 Ô nhiễm môi trường bao gồm 3 loại chính là: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Trong ba loại ô nhiễm đó thì ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề là nghiêm trọng nhất, mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

 Hiện nay, cuộc sống đang phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tuy nhiên, đối lập với nó, tình trạng ô nhiễm môi trường lại có những diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không chỉ của riêng một vùng nào, mà ở khắp nơi, cả nông thôn, thành thị, miền núi, miền biển, cả các nguồn nước và không khí…. Theo nghiên cứu của các tổ chức bảo vệ môi trường, ở nước ta, 70% các dòng sông, 45% vùng ngập nước, 40% các bãi biển đã bị ô nhiễm, hủy hoại về môi trường; 70% các làng nghề ở nông thôn đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng nước biển xâm nhập vào đất liền; đất trống, đồi núi trọc và sự suy thoái các nguồn gien động thực vật đang có chiều hướng gia tăng là hệ quả của việc hủy hoại môi trường. Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Để khắc phục những hậu quả trên phải cần một thời gian dài, liên tục, ngay từ bây giờ và tốn kém nhiều công sức và tiền của. Do đó, bảo vệ môi trường nên bắt đầu bằng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho tất cả mọi người nhất là cho học sinh, sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước.

         Ngày nay việc giữ gìn vệ sinh môi trường đang trong tình trạng báo động. Môi trường ở bất cứ đâu đều  đang có sự “ô nhiễm” mà đối tượng gây ô nhiễm môi trường không ai  khác mà chính là con người. Bên cạnh các khu công nghiệp và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, tại các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm cũng ở mức báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn... Những năm gần đây, dân số ở các đô thị tăng nhanh khiến hệ thống cấp thoát nước không đáp ứng nổi và xuống cấp nhanh chóng. Nước thải, rác thải sinh hoạt (vô cơ và hữu cơ) ở đô thị hầu hết đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lí môi trường nào nào ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày người dân ở các thành phố lớn thải ra hàng nghìn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối nước thải độc hại; các phương tiện giao thông thải ra hàng trăm tấn bụi, khí độc..

Hiện nay, môi trường là vấn đề nóng của toàn nhân loại. Các bạn có để ý thấy rằng, khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn, mưa bão lũ quét thất thường, suy thoái đất, nước, suy giảm nguồn tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng… Đó là các vấn đề về môi trường mà toàn nhân loại đã và đang đối mặt. Con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc làm cho môi trường không còn khả năng tự phân hủy.

Thiên nhiên ban tặng cho con người nhiều thứ, vậy mà ta không biết giữ gìn và bảo vệ nó. Để giờ đây, khi môi trường đang dần bị xuống cấp, xuất hiện nhiều loại “bệnh lạ” hơn, con người mới nhận thấy được tầm quan trọng của môi trường.

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm xử lý, răn đe những tổ chức, cá nhân có hành vi làm tổn hại đến môi trường, rồi các công nghệ xử lý rác thải, phát minh khoa học ra đời nhằm giảm thiểu những tác động đến môi trường. Vậy còn chúng ta  thì sao , có bao giờ bạn đã tự hỏi “mình đã làm gì để bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu chưa?”.

Bạn đừng nghĩ rằng bảo vệ môi trường là phải nghiên cứu ra một công trình, một máy móc hiện đại nào đó hay đó là việc của các chuyên gia, các kỹ sư hay của pháp luật mà bằng những hành động nhỏ nhặt và cụ thể hàng ngày, chúng ta cũng góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. trước hết chúng ta phải nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết, và hành động vì môi trường cùng chúng ta. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Những việc cụ thể phải làm như sau:

Đối với cá nhân: Đầu tiên, bản thân mình phải thực hiện tốt những việc, thiết thực và cụ thể như:

- Tiết kiệm điện, nước ở cơ quan cũng như ở nhà, tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi. Khuyến khích mọi người sử dụng những bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tắt điện vào giờ trái đất, tắt điện, quạt khi rời khỏi cơ quan, khỏi nhà, tránh để nước rò rỉ…

- Đối với rác thải: Hạn chế sử dụng túi nilon. Ở nhà nên phân loại rác, đối với những rác thải như chai nhựa, giấy, túi nilon... gom lại bán phế liệu để tái sử dụng, tiết kiệm được nguồn tài nguyên. Ở cơ quan, nên tiết kiệm giấy, đọc kỹ văn bản trước khi in, tận dụng giấy một mặt… Ở những nơi công cộng, không nên tiện tay vứt rác bừa bãi ra ngoài đường, phải tìm nơi có thùng rác để vứt, khi đi chơi, picnic, nên thu dọn rác sạch sẽ, gọn gàng và vứt đúng nơi quy định. Tránh vứt rác xuống dòng sông, lòng đường, hè phố.

- Đối với cây xanh: Không bẻ cành, ngắt phá cây xanh, trồng và chăm sóc cây xanh ở nhà cũng như cơ quan, lên án, phê phán những trường hợp không biết giữ gìn và bảo vệ cây xanh nơi công cộng.

- Hạn chế đi xe máy khi không cần thiết…

- Đối với môi trường nước: Không vứt rác, xác chết động vật xuống dòng sông, ao hồ, bờ biển…

Đối với phong trào thanh niên: Thanh niên là tầng lớp tiên phong, đi đầu trong mọi phong trào và hoạt động. Thanh niên hãy cùng nhau kêu gọi mọi người chung tay giữ gìn vệ sinh chung, cùng nhau bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của chúng ta. Cụ thể, vào các ngày thành lập Đoàn thanh niên (26/3), ngày môi trường thế giới (5/6), toàn thanh niên tổ chức và phát động phong trào dọn vệ sinh lòng đường, hè phố, trồng và chăm sóc cây xanh, tuyên truyền cho mọi người dân cùng tham gia thực hiện.

 

Đối với các hội đoàn thể, cơ quan chính quyền: Hội phụ nữ, nông dân, các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề môi trường; thường xuyên đưa các thông tin về bảo vệ môi trường trong các buổi hội họp; tập trung dân ở từng địa phương, tuyên dương, khen thưởng những gia đình thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, những cá nhân tiêu biểu đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng ta cần lên án, phê phán những trường hợp gây tác hại đến môi trường như vứt rác bừa bãi, không tham gia đóng phí vệ sinh môi trường, nhổ cây, bẻ cành và ngắt phá cây xanh…, xem xét về việc công nhận gia đình văn hóa hằng năm ở từng địa phương.

 

Đó là những việc nhỏ và đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể làm được. để góp phần hình thành nếp sống văn minh hơn, đô thị xanh- sạch- đẹp hơn.

Hãy đối xử tốt với thiên nhiên, sống thân thiện với môi trường, ta sẽ tận hưởng được những giây phút thư giãn, thoải mái trong bầu không khí trong lành, được tận hưởng những cảnh đẹp từ thiên nhiên.

Ngược lại, nếu chỉ biết quyền lợi của cá nhân trước mắt mà làm tổn hại đến môi trường thì bản thân ta, con cháu ta sẽ nhận lấy một hậu quả thật khó lường. Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chúng ta!

Nguồn Internet

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 653