Bình đẳng giới phát huy vai trò của phụ nữ

Xã hội hiện đại, phụ nữ ngày càng có vị thế trong gia đình và xã hội. Các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh luôn quan tâm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ, trong đó có công tác bình đẳng giới.

Trong các văn bản, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước hiện nay quy định rõ ràng những vấn đề liên quan đến công tác bình đẳng giới, trong đó có công tác DS-KHHGĐ: Quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh, lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp và an toàn, thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến chăm sóc SKSS... Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ, chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng trên cơ sở chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, tạo sự đồng thuận.

Ðể bình đẳng giới trở thành một yếu tố cơ bản, góp phần thực hiện chính sách dân số của tỉnh thành công, các vấn đề về giới, giới tính, bình đẳng giới, bất bình đẳng giới đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, nhằm thu hút sự quan tâm của nam giới và nữ giới. Vai trò nam giới tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai hiệu quả, phù hợp với nam, không ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ, chồng có ý nghĩa quyết định nâng cao sức khỏe cho thế hệ sau. Đồng thời tăng cường dịch vụ tư vấn SKSS - KHHGĐ, phòng chống bệnh lây truyền, đã tạo mọi điều kiện để mọi người dễ tiếp cận, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hiện tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 110 bé trai/100 bé gái. Mặc dù hằng năm, tỷ số đã được khống chế, nhưng không ổn định và tiềm ẩn nguy cơ có thể tăng trở lại, vì vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường, không đề cao vai trò của con gái. Do vậy, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình hiện nay rất quan trọng để bảo đảm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nội dung tuyên truyền được Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) tập trung: Các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh; nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh... Các nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh được lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt, hoạt động văn hóa văn nghệ; duy trì hoạt động các mô hình dân số, các CLB: "Phụ nữ không sinh con thứ 3", "Giúp nhau làm kinh tế", "Nói không với lựa chọn giới tính khi sinh", "Giới và bình đẳng giới".

Công tác y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ ngày càng được quan tâm từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Các trung tâm y tế tuyến huyện đều có các dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ. Các trạm y tế cấp xã đều có bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh có chuyên môn về sản khoa, thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ, khám quản lý thai nghén, đỡ đẻ an toàn, KHHGĐ..., thực hiện tốt công tác chăm sóc trước, trong, sau sinh, nhằm giảm tai biến sản khoa và tử vong mẹ.

Hoạt động phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con được đẩy mạnh tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 8 huyện được triển khai đến tận cấp xã; phụ nữ mang thai được khám quản lý thai nghén và xét nghiệm sàng lọc HIV sớm để kịp thời điều trị dự phòng. 100% trạm y tế cấp xã có cán bộ được đào tạo chuyên môn để cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại; trên 70% trạm y tế cấp xã được đào tạo kỹ thuật đặt dụng cụ tránh thai. Các biện pháp tránh thai được cung cấp đa dạng, đầy đủ, miễn phí tại các trạm y tế xã, tạo thuận lợi cho sự lựa chọn của người dân trong độ tuổi sinh đẻ...

Tích cực thúc đẩy bình đẳng giới sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ. Để hoạt động bình đẳng giới được thực hiện hiệu quả, bên cạnh sự chung tay của cộng đồng, cần có sự lên tiếng của chính nam giới.

Nguồn cổng thông tin điện tử Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1734