Bảo vệ an toàn thông tin cho trẻ em trên không gian mạng
(Mic.gov.vn) - Ngày 24/11, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo với chủ đề "Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng". Phiên hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022.
Ngày 01/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên mỗi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025". Chương trình hướng tới mục tiêu bảo vệ thông tin, bí mật riêng tư của trẻ, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ và tương tác an toàn. Cùng với đó là hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh, sáng tạo.
Hưởng ứng Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" của Chính phủ, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo chuyên đề "Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng". Hội thảo có sự tham gia của các đại diện đến từ Cục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); Hiệp hội An toàn thông tin; Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cùng nhiều các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, giải pháp trong lĩnh vực này.
Theo Phó Chủ tịch VNISA Vũ Quốc Khánh, Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, để biến chính sách trên giấy thành hiện thực sống tất yếu phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.
Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam sớm tham gia xây dựng chính sách, đề xuất nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, một trong số đó là cuộc thi học sinh với an toàn thông tin.
"VNISA tổ chức hội thảo "Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2022, với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ thông tin và đề xuất các kiến nghị cho cơ quan quản lý. Đồng thời, cũng mang tới những gợi mở, định hướng cho doanh nghiệp trong phát triển các công nghệ mới để bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng"- ông Vũ Quốc Khánh chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em phát triển lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. Chương trình không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng giúp các em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách hiệu quả và an toàn.
Hội thảo "Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" diễn ra trong một buổi sáng, với 5 báo cáo chính gồm: Thực trạng và định hướng triển khai chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Các chính sách của YouTube để bảo vệ trẻ em và gia đình; Thực trạng của việc phát tán nội dung độc hại trên Internet và làm sao để phụ huynh có thể giữ cân bằng giữa việc bảo vệ con và tôn trọng quyền riêng tư của con trên mạng; Bảo vệ thiết bị đầu cuối, điểm chặn quan trọng trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; SafeGate Family - Giải pháp Wifi an toàn, bảo vệ toàn diện các thiết bị trong gia đình.
Phiên tọa đàm có chủ đề "Vai trò và trách nhiệm của các bên trong Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" do ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Cục trẻ em, VNCERT, Childfund Việt Nam, CyRadar, SCS sẽ bàn thảo chuyên sâu về thực trạng, những khó khăn, vướng mắc; các giải pháp, sáng kiến được triển khai; các đề xuất để tạo ra cơ chế phối hợp giữa các bên trên môi trường số nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có các báo cáo vi phạm về an toàn của trẻ em trên không gian mạng.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, khách tham dự có cơ hội tham gia trải nghiệm các quầy trình diễn sản phẩm bảo vệ trẻ em của các đơn vị của các đơn vị: Youtube, CyRadar, Childfund Việt Nam CyberPurify, SafeGate./.
Bộ TTTT
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.