Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Để giúp người lao động (NLĐ) có cuộc sống ổn định khi bị mất việc làm, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐTB&XH) đã phối hợp đẩy mạnh giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người tham gia.

Ông Lý Văn Định, khu 2, phường Hà Khánh, TP Hạ Long cho biết: Tôi làm công nhân 1 doanh nghiệp trên địa bàn và được doanh nghiệp đóng BHTN nhiều năm nay. Do doanh nghiệp khó khăn nên tôi và một số người khác bị cắt giảm lao động. Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tôi được nhân viên nơi đây tư vấn, hướng dẫn rất tận tâm; hồ sơ được giải quyết nhanh chóng. Số tiền không nhiều nhưng cũng đủ giúp tôi vượt qua khó khăn trong thời gian tìm việc làm phù hợp.

Không chỉ ông Định mà hầu hết những người được hỏi đều hài lòng về tư vấn, giải quyết thủ tục để giúp người tham gia BHTN hưởng hết các quyền lợi của mình. Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: Khi NLĐ thất nghiệp đến Trung tâm làm chế độ hưởng BHTN, Trung tâm đều đảm bảo tốt nhất những quyền lợi mà người tham gia được hưởng theo quy định, đó là tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục để chuyển bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh thẩm định, giúp NLĐ tham gia BHTN được hưởng TCTN khi mất việc làm, hỗ trợ NLĐ thất nghiệp tìm kiếm việc làm và tư vấn hỗ trợ NLĐ thất nghiệp học nghề.

Trước hết, khi NLĐ thất nghiệp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm thủ tục hưởng hỗ trợ BHTN; trung tâm đều tư vấn, giới các công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, kỹ năng và nguyện vọng của bản thân NLĐ. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã có 13.551 lượt người được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm.

Song song với đó, Trung tâm cũng tiếp nhận làm hồ sơ hưởng TCTN cho NLĐ tại bộ phận đón tiếp làm thủ tục của trung tâm. Tại đây, NLĐ được hướng dẫn, hỗ trợ làm thủ tục một cách nhanh, gọn nhất. Bên cạnh đến trung tâm làm thủ tục, NLĐ còn có thể nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công.

Được biết hiện nay, mức TCTN bằng 60% mức lương bình quân 06 tháng liền kề có đóng BHTN, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng tùy theo từng đối tượng; Cứ đóng BHTN đủ 12-36 tháng thì được hưởng 03 tháng TCTN; sau đó cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng. Thời gian để được hưởng TCTN được tính kể từ ngày thứ 16 khi đã nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN hợp lệ theo quy định pháp luật.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2023, đã có 5.666 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong đó có 134 hồ sơ nộp trên cổng dịch vụ công. Sau khi BHXH tỉnh thẩm định, đã có 5.179 người có quyết định hưởng TCTN.

Không chỉ dừng ở việc được hỗ trợ giới thiệu việc làm phù hợp, được nhận hỗ trợ tài chính, người tham gia BHTN còn được Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn giới thiệu học nghề tại các cơ sở uy tín. Theo quy định, NLĐ được hỗ trợ dạy nghề sơ cấp miễn phí với thời hạn không quá 06 tháng tại các cơ sở dạy nghề chất lượng. Trường hợp người lao động đã hưởng hết thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn đang theo học khóa dạy nghề thì vẫn được hỗ trợ cho đến khi hoàn thành khóa học. 6 tháng đầu năm 2023, đã có 138 trường hợp có quyết định hỗ trợ học nghề; số tiền hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng TCTN 6 tháng đầu năm là 578.550 nghìn đồng.

Theo BHXH tỉnh, người đóng BHTN còn được hỗ trợ chi phí BHYT hoàn toàn nếu đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm; nghĩa là trong thời gian đang hưởng BHTN, người tham gia sẽ được dùng thẻ BHYT do BHXH Việt Nam cấp mà không phải đóng phí BHYT.

Như vậy, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính cho người bị mất việc làm, BHTN còn hỗ trợ người tham gia học nghề và tìm kiếm công việc mới, cũng như kèm theo nhiều chính sách an sinh khác; giúp người lao động tự bảo vệ quyền lợi của bản thân mình và là “phao cứu sinh” trong trường hợp không may mắn bị mất việc làm. Đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 241.100 người tham gia BHTN.

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 281