Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với chủ đề chính là “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Trong thời gian từ ngày 15/4/2023 đến 15/5/2023, Tháng hành động sẽ được triển khai với nhiều hoạt động chính như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Tháng hành động năm 2023 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông về tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh sẽ tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2023 tại TX Quảng Yên. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP. 

Trong đó, sẽ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Cụ thể là trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý; việc tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP các cấp; việc triển khai các quy định về bảo đảm ATTP tại địa phương; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về ATTP tại từng địa phương….

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, bản cam kết bảo đảm ATTP; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý quy định…

Ở cấp tỉnh sẽ thành lập 3 đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại một số địa phương trong tỉnh, cụ thể: 1 đoàn kiểm tra tại các địa phương: Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái; 1 đoàn kiểm tra tại các địa phương: Ba Chẽ, Vân Đồn, Cẩm Phả và 1 đoàn kiểm tra tại các địa phương: Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí.

Theo thống kê, cuối năm 2022, toàn tỉnh có 48.175 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó lĩnh vực thuộc ngành Y tế quản lý 10.794 cơ sở (cấp tỉnh quản lý 1.552 cơ sở, cấp huyện quản lý 9.242 cơ sở), ngành Công Thương quản lý 8.874 cơ sở (cấp tỉnh quản lý 148 cơ sở, cấp huyện quản lý 8.726 cơ sở), ngành Nông nghiệp quản lý 28.507 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản (cấp tỉnh quản lý 1.009 cơ sở, cấp huyện quản lý 27.498 cơ sở). Mặc dù phần lớn cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình, thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp đa dạng, phong phú các loại thực phẩm trong tỉnh, ngoài tỉnh và thực phẩm nhập khẩu nên việc kiểm soát ATTP luôn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công tác ATTP trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm tập trung chỉ đạo, các sở, ngành và UBND các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác trao đổi thông tin, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trên toàn tỉnh trong hoạt động quản lý, thông tin tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP được thực hiện tốt, bám sát với tình hình thực tế. Kết quả trong thời gian qua không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn trên 30 người mắc, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở được quản lý, đảm bảo ATTP cho trên 1,3 triệu người dân của tỉnh và khách du lịch, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 126